Thứ Năm, tháng 1 04, 2007

Con xin lỗi mẹ

Đọc sách, tôi rất thích một câu nói của nhà văn người Úc: "Không có gì là hoàn hảo, có chăng chỉ là sự đề cao mà thôi". Đúng, thử hỏi trong chúng ta có ai dám tự nói mình chưa mắc lỗi dù chỉ một lần không?

Tôi cũng vậy, có lẽ tôi không thể quên lỗi lầm mình gây ra hôm đó, khiến người tôi yêu quý nhất - mẹ tôi, buồn lòng...

Ảnh minh hoạ.

Hôm ấy, đất dát vàng ánh nắng, trời mát dịu, gió khẽ hôn lên má những người đi đường. Nhưng nó sẽ là ngày tuyệt đẹp, nếu tôi không có bài kiểm tra khoa học tệ hại đến như vậy, hậu quả của việc không chịu ôn bài. Về nhà, tôi bước nhẹ lên cầu thang mà chân nặng trĩu lại. Tôi buồn và lo vô cùng, nhất là khi gặp mẹ, người tôi nói rất chắc chắn vào tối qua: "Con học bài kỹ lắm rồi".

Mẹ đâu biết khi mẹ lên nhà ông bà, ba đi công tác, tôi chỉ ngồi vào bàn máy tính chứ nào có ngồi vào bàn học, bởi tôi đinh ninh rằng cô sẽ không kiểm tra, vì tôi được mười điểm bài trước, nào ngờ cô cho làm bài kiểm tra mười lăm phút. Chả lẽ bây giờ lại nói với mẹ: "Con chưa học bài hôm qua" sao? Không, nhất định không.

Đứng trước cửa, tôi bỗng nảy ra một ý "Mình thử nói dối mẹ xem sao". Nghĩ như vậy, tôi mở cửa bước vào nhà. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra. Nhìn mẹ, tôi chào lí nhí "Con chào mẹ". Như đoán biết được phần nào, mẹ tôi hỏi: "Có việc gì thế con"? Tôi đưa mẹ bài kiểm tra, nói ra vẻ ấm ức: Con bị đau tay, không tập trung làm bài được nên viết không kịp”... Mẹ tôi nhìn, tôi cố tránh hướng khác. Bỗng mẹ thở dài! “Con thay quần áo rồi tắm rửa đi!”.

Tôi "dạ" khẽ rồi đi nhanh vào phòng tắm và nghĩ thầm: "Ổn rồi, mọi việc thế là xong". Tôi tưởng chuyện như thế là kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cứ như người mất hồn, có lúc mẹ rửa bát chưa sạch, lại còn quên cắm nồi cơm điện. Thậm chí mẹ còn quên tắt đèn điện, điều mà lúc nào mẹ cũng nhắc tôi. Mẹ tôi ít cười và nói chuyện hơn. Đêm đêm, mẹ cứ trở mình không ngủ được.

Bỗng dưng, tôi cảm thấy như mẹ đã biết tôi nói dối. Tôi hối hận khi nói dối mẹ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Hay nói cách khác, tôi vẫn chưa thừa nhận lỗi lầm của mình. Sáng một hôm, tôi dậy rất sớm, sớm đến nỗi ở ngoài cửa sổ sương đêm vẫn đang chảy "róc rách" trên kẽ lá.

Nhìn mẹ, mẹ vẫn đang ngủ say. Nhưng tôi đoán là mẹ mới chỉ ngủ được mà thôi. Tôi nghĩ: Quyển "Truyện về con người" chưa đọc, mình đọc thử xem". Nghĩ vậy, tôi lấy cuốn sách đó và giở trang đầu ra đọc. Phải chăng ông trời đã giúp tôi lấy cuốn sách đó để đọc câu chuyện "lỗi lầm" chăng ! "...

Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình". Tôi suy ngẫm: "Mình không thấy lỗi lầm của mình sao?". Tôi nghĩ rất lâu, bất chợt mẹ tôi mở mắt, đi xuống giường. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi đi đến một quyết định: Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ.

Mẹ tôi bước ra, tôi để mảnh giấy trên bàn rồi chạy ù vào phòng tắm. Tôi đánh răng rửa mặt xong, đi ra và... chuẩn bị ăn bữa sáng ngon lành do mẹ làm. Và thật lạ, mảnh giấy ghi chữ: "Con xin lỗi mẹ" đã biến đâu mất, thay vào đó là một chiếc khăn thơm tình mẹ và cốc nước cam. Tôi cười, nụ cười mãn nguyện vì mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

Đến bây giờ đã ba năm trôi qua, mảnh giấy đó vẫn nằm yên trong tủ đồ của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng, và tự nhủ sẽ không bao giờ để mẹ buồn nữa. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu: Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽ có nhiều hơn một thứ bạn vẫn đang có, đó là tình thương.

"Từ thuở sinh ra tình mẫu tử
Trao con ấm áp tựa nắng chiều".

QUÁCH TRÍ DŨNG

Trên đây là bài tập làm văn đạt điểm 9 của em Quách Trí Dũng, lớp 6A Trường phổ thông Amsterdam Hà Nội. Đề văn của cô giáo Châu ra như sau: "Đã có lần em mắc lỗi. Em hãy kể lại lỗi lầm đó"

Thứ Năm, tháng 11 23, 2006

Trưởng thành không đau đớn

(Ảnh minh họa: Vietfun)

Độc lập về tài chính

Điều này tương đối khó vì quen sống trong sự bảo bọc của cha mẹ về tài chính, thiếu tiền lại xin. Bạn còn đi học nên phải phụ thuộc vào cha mẹ từ khoản nhỏ như tiền tiêu vặt đến tiền học trở đi. Giờ đã lớn, tại sao bạn không tìm một công việc bán thời gian để làm, vừa giúp bạn có cơ hội va chạm nhiều hơn với cuộc sống vừa có thể “rủng rỉnh” mà không cần đến tiền viện trợ của cha mẹ nữa. Tuy nhiên trước khi bạn muốn tự lập, thì tự thân bạn phải độc lập, bớt dần sự phụ thuộc vào người khác đi đã.

Độc lập về tình cảm

Bạn phụ thuộc vào nhiều người về mặt tình cảm, đó có thể là cha mẹ, người yêu, bạn bè thân. Mặc dù có thể vẫn tiếp tục phụ thuộc vào những người đó suốt cuộc đời nhưng bạn cũng phải nhận ra một điều là những người thân thương một ngày nào đó sẽ rời xa bạn mãi mãi. Người thì bỏ đi, người thì không còn muốn nói chuyện với bạn nữa và có người sẽ từ giã cõi đời. Chỉ có một người duy nhất tồn tại mãi với bạn cho đến hơi thở cuối cùng đó là chính bạn. Nếu bạn chỉ lệ thuộc vào bản thân thì bạn sẽ không bao giờ thất vọng đâu.

Đừng ích kỷ

Đến tận bây giờ, bạn đã được được ban tặng rất nhiều thứ một cách vô điều kiện. Dù bạn chỉ ở mức thường thường bậc trung, không tài ba kiệt xuất nhưng những người khác tự hào về bạn và luôn ủng hộ bạn. Bạn la hét, “nhặng xị” và ngỗ nghịch nhưng họ không từ bỏ bạn. Họ “cho” bạn rất nhiều từ tình cảm cho đến vật chất mà không mong đợi bạn đền đáp. Dần dần, bạn có lẽ đã bắt đầu nhận ra thế giới hiện thực dường như không còn vận động theo chiều hướng đó nữa, giờ bạn phải “cho đi” trước khi nhận được điều gì từ người khác. Bạn phải đối xử tốt và “biết điều” với bạn bè và người yêu kẻo họ không còn muốn giao du với bạn nữa.

Sống mạnh mẽ hơn bạn ơi!

Ở thời kỳ quá độ từ hoa niên chuyển sang giai đoạn trưởng thành, bạn có rất nhiều bạn. Khi họ cần bạn luôn có mặt để giúp đỡ. Khi họ phạm sai lầm, bạn luôn sẵn sàng tha thứ và quên đi lỗi lầm của họ. Bạn làm tất cả điều đó vì bạn quan tâm đến họ. Rồi bạn nhận ra quan niệm cổ lỗ sĩ về tình cảm vô điều kiện đó không còn thích hợp nữa. Bạn bắt đầu chờ đợi sự đền đáp từ người khác. Họ đã quen với chuyện bạn không đòi hỏi từ họ bất cứ điều gì nên mặc nhiên cho đó là điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu bạn phải làm cho họ. Bạn hiền lành và yếu đuối để họ lấn lướt và coi thường. Có người sẽ lợi dụng bạn và cũng có người cảm thấy có lỗi với bạn và không muốn bên cạnh bạn nữa. Đã đến lúc bạn cần sống mạnh mẽ và có chí khí hơn, chỉ dành tình cảm chân thành cho những người biết trân trọng.

Học cách chấp nhận cuộc sống không công bằng

Cha mẹ quan tâm và giáo dục ta trong định hướng về một môi trường công bằng và đúng đắn nhất họ có thể. Thế giới thực lại không tuân theo nguyên tắc đó. Quyền lực và tiền bạc chi phối thế giới này. Bạn có thể bị đối xử tệ chỉ vì màu da, trí tuệ, dáng vẻ về ngoài, cá tính riêng, điều kiện gia đình, ý kiến bạn đưa ra, giới tính… Bạn phải sống có nghị lực và hạnh phúc bất chấp điều tồi tệ đó.

Bắt đầu định hướng nghề nghiệp

Hãy xem mình thực sự muốn theo đuổi nghề gì. Nếu tiền khiến bạn hạnh phúc thì có thể làm trong ngân hàng hoặc lĩnh vực tài chính, thậm chí tham vọng hơn là mở một công ty riêng. Nếu bạn thích trẻ con, hãy trở thành giáo viên. Nếu bạn muốn trở thành chuyên gia thì theo đuổi nghề luật sư, giáo sư hoặc cố vấn. Nếu bạn thích giao tiếp và quan hệ cộng đồng thì có thể trở thành người bán hàng, PR hoặc làm việc trong ngành dịch vụ.

Phần lớn sinh viên khởi nghiệp chẳng liên quan gì đến chuyên ngành đã theo học, như vậy lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức bạn học 4-5 năm trời ở đại học. Do đó, hãy cân nhắc kỹ “đầu ra” trước khi bạn quyết định thi vào trường nào và ngành học nào cho phù hợp.

Bạn chính là ngôi sao quan sát giá trị của mình. Nếu bạn tin tưởng, yêu mến và trân trọng bạn thân thì người khác sẽ làm y như thế với bạn. Liệu bạn có thể đứng vững trên đôi chân của mình trong thế giới khắc nghiệt và bất ổn này không?

Phương Hoa
Theo Wikihow

Thứ Năm, tháng 11 09, 2006

Bát cơm người giúp việc

Vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải tha phương cầu thực lúc 17 tuổi. Tôi được bạn cùng quê đưa vào Sài Gòn giúp việc cho một gia đình giàu có ở đường Nguyễn Kiệm. Gia đình có sáu người, gồm ông bà, hai bác và hai con của bác.

Cứ ngỡ đi làm chỉ cần thật thà, chăm chỉ, chủ thương sẽ sướng hơn ở quê, lại có tiền gửi về giúp gia đình. Nhưng hi vọng bình thường đó của tôi lại không đơn giản như vậy.

Người ta thường nói giúp việc may thì gặp gia đình tốt, còn không thì phải chịu. Tôi không may nên gặp phải một gia đình bên ngoài giàu sang, tử tế, nhưng... Ngày nào tôi cũng phải làm đủ mọi việc, từ giặt đồ, lau nhà, đi chợ làm cơm đến chăm sóc ông bà già và ai bảo gì thì làm nấy... Vậy mà họ không xem tôi là con người, có lẽ họ nghĩ bỏ đồng tiền ra là có quyền chà đạp lên người khác. Mỗi khi ai gặp chuyện không vui là về la rầy, nào là “đồ ngu”, “đồ nhà quê”, nào là “tao nuôi mày chỉ tốn cơm, tốn gạo”... Tôi bưng bát cơm ăn mà chan đầy nước mắt. Nhưng tôi vẫn im lặng chịu đựng vì luôn biết thân phận mình: mình nghèo, muốn có tiền giúp gia đình thì phải bỏ công sức ra và phải nghe tiếng chửi, tiếng mắng của người ta...

Những lần bị chủ lạnh nhạt, la mắng, dù trong lòng có buồn hay đau cũng không có ai chia sẻ và lắng nghe. Nhiều đêm tôi đã khóc vì tủi thân, vì nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng tôi không dám nói cho gia đình ở quê biết, tôi hiểu lòng cha mẹ. Nếu biết con mình đang vất vả, khổ nhục nơi đất khách quê người thì cha mẹ còn đau lòng hơn bội phần.

Một hôm bác gái kêu mất chiếc lắc vàng. Bao nghi ngờ đều đổ vào tôi. Và những lời tra hỏi, xỉ vả tôi để biết tôi có phải đã ăn cắp không. Họ lục lọi khám xét đồ của tôi. Gần một tuần tôi sống như trong địa ngục trần gian mãi đến khi cô con gái của họ nói đã tìm thấy lắc ở bàn trang điểm của bác.

Sau lần ấy tôi xin nghỉ làm.

Rời khỏi ngôi nhà mà tôi đã sống gần một năm với biết bao nước mắt và mồ hôi, tôi ra đi mang theo sự chán nản cuộc đời, sự lo sợ, hoang mang. Giữa Sài Gòn lộng lẫy mà sao tìm một chốn nương thân còn khó hơn lên trời. Tình người nhạt nhẽo, vô tình như gió vậy sao? Tôi lang thang dọc theo con đường Nguyễn Kiệm, cứ đi, đi mãi, không biết đi về đâu. Bỗng tôi giật mình khi nghe tiếng xe cấp cứu, nhìn lên mới biết mình đang đi qua Bệnh viện 175. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ: có những người sắp chết còn mong sống thì sao mình lại hết hi vọng. Tôi thầm nhủ: “Dù cho ai khinh thường hay chà đạp thì mình cũng không được mất lòng tin ở chính mình”.

Từ đó tôi tiếp tục đi xin việc với niềm tin: dù là rửa chén cho quán cơm hay quán phở thì vẫn có hi vọng ngày mai... Tôi đi hết chỗ này tới chỗ khác. Cuối cùng tôi được một phụ nữ cho vào ở một quán chè. Công việc bận rộn nhưng bù lại cô chủ tỏ ra rất thương tôi. Tôi rất vui khi một lần được nghe cô chủ nói về mình với một người bạn: “Tính nó rất chăm chỉ, thật thà...”.

Từ ngày ấy tới bây giờ cuộc đời tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi được làm việc với một người chủ tử tế, đầy lòng thương người. Bây giờ tôi đã tin trên thế gian vẫn còn có tình người...

NGUYỄN THỊ LIÊN

Cho chúng con được xin lỗi thầy

Năm ấy tôi học lớp 12. Lớp chúng tôi đã tổ chức kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam một cách trọng thể: chúng tôi hát hò, liên hoan trong lớp, mua rất nhiều hoa tặng các thầy giáo, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm. Hôm ấy, cô ôm những bó hoa nhiều đến nỗi không còn chỗ để...

Đến trưa, khi gần kết thúc buổi lễ, xuống đến sân trường cô cho lại tôi một bó hoa, bảo mang về cắm cho vui. Tôi vui vẻ cầm lấy bó hoa. Bỗng tôi chợt thấy thầy Hưng, một thầy giáo dạy chúng tôi môn lịch sử khi chúng tôi còn học lớp 10, đang dắt xe đạp ngang qua sân trường.

Thầy Hưng tuổi trạc 50, dáng người nhỏ bé, khuôn mặt hiền. Đôi mắt thầy ẩn sau cặp kính cận dày cộp nhưng luôn lấp láy sự hài hước nhẹ nhàng, dễ mến. Đặc biệt, thầy có cách giảng dạy môn lịch sử hết sức hay và truyền cảm. Những bài giảng lịch sử của thầy luôn sống động với rất nhiều câu chuyện liên quan đến những sự kiện lịch sử cụ thể. Có lần, khi giảng đến bài Cách mạng Pháp, thầy còn hát cho chúng tôi nghe bài hát của Cách mạng Pháp rất hay...

Thấy thầy, tôi vô tư cầm bó hoa cô giáo chủ nhiệm cho, chạy ra tặng thầy và nói lời chúc mừng thầy nhân Ngày nhà giáo. Lời chúc mừng của đứa học trò thiếu suy nghĩ, nửa đùa nửa thật và rất nghịch ngợm vì nghĩ đã... trêu được thầy. Ai lại đi tặng hoa cho thầy vào giờ này cơ chứ. Nếu có thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng đối với thầy thì phải tặng hoa đầu giờ kia. Và phải là một bó hoa tươi mới mua. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đùa thầy một chút cho vui vì thầy vốn là người hài hước.

Song, thay vì thế, tôi bất ngờ nhận thấy ở thầy một nỗi xúc động chân thành từ đôi mắt lấp lánh sau cặp kính cận dày. Thầy nói với tôi rằng đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm dạy học thầy được tặng hoa nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, rằng thầy hết sức xúc động, rằng thầy chỉ là một giáo viên dạy môn phụ và đã dạy qua lớp tôi từ lâu mà tôi vẫn còn nhớ đến thầy. Rồi rất hạnh phúc, thầy ngẩng cao đầu, tay ôm bó hoa, dắt tiếp chiếc xe đạp cọc cạch đi ra phía cổng trường...

Trời ơi! Tôi thật sự bàng hoàng. Hơn 20 năm dạy học mà thầy chưa bao giờ được nhận bó hoa nào nhân Ngày nhà giáo Việt Nam ư? Mà lại là một thầy giáo đáng kính đến như vậy! Bọn học trò chúng tôi sao mà suy nghĩ “ngắn” thế! Chúng tôi chỉ biết quan tâm và tặng hoa những thầy cô giáo dạy môn chính và cô giáo chủ nhiệm thôi. Môn phụ thì không cần thiết lắm. Có gì đã có hội phụ huynh của lớp và của trường lo. Nhưng hội phụ huynh chắc chỉ chú trọng về vật chất. Và chẳng có một đứa học trò nào nhớ ra phải tặng hoa cho thầy. Đến khi nhận được bó hoa đầu tiên thì lại mang một tính chất hơi đùa cợt hơn là nghiêm túc. May mà thầy không phát hiện điều ấy...

Hình ảnh đôi mắt lấp lánh sau cặp kính cận dày và gương mặt hiền hậu của thầy ánh lên nét hạnh phúc khi lần đầu tiên nhận bó hoa ngày 20-11 năm ấy vẫn còn nguyên trong tâm trí tôi. Hơn 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn tự trách sao bọn học trò chúng tôi lại vô tâm đến vậy.

Thầy Hưng ơi, thầy ở đâu cho chúng con được xin lỗi thầy.

Đ.T.T.H. (Hà Nội)

Bài văn gây xôn xao TP Vinh

Bài văn đạt 9,5 điểm của cô học trò chuyên toán Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), Nguyễn Thị Hậu

Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần vào sáng thứ hai vừa qua, thầy giáo Lê Trần Bân, phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) đã đứng dưới cờ phát biểu cảm nghĩ và đọc bài văn của em Nguyễn Thị Hậu, cả sân trường xúc động lặng im.

"Thầy Bân đọc được nửa bài văn quá xúc động nghẹn lời, ngân ngấn nước mắt. Chúng tôi đều rưng rưng, mến phục thương em Hậu và thôi thúc chúng tôi sống và giảng dạy tốt hơn. Từ nay vào các buổi lễ chào cờ đầu tuần chúng tôi chọn lọc những đề văn và bài làm hay đọc dưới cờ để nhân lên sự yêu thích văn chương của học sinh" - thầy Võ Tuấn Thiện, hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết.

Ngay sau đó từ học sinh, giáo viên các trường trên địa bàn TP Vinh cho đến bà bán nước bác xe ôm đã pho to bài văn, chuyền tay nhau đọc. Cứ thế bài văn nhân thêm nhiều bản, và chuyền về tận các huyện...

Nguyễn Thị Hậu - học sinh chuyên Toán lớp 10A2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An - chỉ có 45 phút ngồi trên lớp học để viết lên bài văn này. Bài văn với gần 1.500 từ trên bốn trang giấy kiểm tra ướt nhoè nước mắt của Hậu khi làm bài.

Bóng dáng người bố yêu thương hiện lên trang văn, người đọc đường như thấy một chút bóng dáng người bố thân yêu của mình và thôi thúc nuôi dưỡng ước mơ và thúc giục sống tốt hơn.

Bài làm văn của em đã viết lên cảm nghĩ chân thực về người cha thân yêu làm nghề xe lai, nhưng bị căn bệnh quật ngã ra đi, khá xúc động.

ĐẮC LAM

Thứ Hai, tháng 11 06, 2006

Cố gắng từng chút một

Tôi đang đi dạo trên bãi biển khi hoàng hôn buông xuống. Dù biển đông người nhưng tôi chỉ chú ý đến một cậu bé cứ liên tục cúi xuống nhặt thứ gì đó và ném xuống biển.
Khi đến gần hơn, tôi thấy cậu bé đang nhặt những con sao biển bị cuốn lên bờ và lần lượt ném từng con trở lại với biển.

Tôi cảm thấy khó hiểu. Tôi liền tiến đến chỗ cậu bé và nói: "Chào cháu, chú thắc mắc không biết cháu đang làm gì?"

“Cháu đang đưa những con sao biển này trở về với đại dương. Chú thấy đó, bây giờ thủy triều đang xuống và tất cả những con sao biển này đã bị giạt lên bờ. Nếu như cháu không đưa chúng trở về biển thì chúng sẽ chết ngay ở đây vì thiếu oxy.”

“Chú hiểu rồi. Nhưng có đến hàng ngàn con sao biển ở trên bãi biển này. Cháu không thể nào nhặt hết tất cả chúng được. Và chuyện này còn xảy ra ở hàng trăm chỗ khác suốt bờ biển này. Cháu có nhận thấy rằng cháu không thể làm thay đổi được thực tế sao?

”Cậu bé mỉm cười, cúi xuống và rồi nhặt con sao biển khác lên, và khi ném nó xuống biển, cậu trả lời tôi: "Nhưng cháu có thể giúp được con sao biển này!"

"Cố gắng là tất cả những gì mà bạn phải làm.
Cho dù thành công hay thất bại."
Robert Thibodeau

Thứ Tư, tháng 10 25, 2006

Đừng bỏ cuộc bạn nhé

Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, như thỉnh thoảng vẫn thế, khi con đường bạn đang lê bước dường như thành dốc đứng, khi ngân sách đang giảm mà nợ nần lại tăng cao; bạn muốn mỉm cười, nhưng lại phải thở dài; khi sự lo âu đang đè nặng lên bạn, hãy nghỉ ngơi nếu cần thiết nhưng đừng bỏ cuộc bạn nhé.

Cuộc đời thật kỳ lạ với những khúc quanh ngõ quẹo như đôi khi chúng ta vẫn nhận thấy, quá nhiều lần thất bại, lẽ ra ta đã chiến thắng nếu như ta kiên trì theo đuổi, đừng bỏ cuộc dù cho bước tiến có vẻ chậm lại vì có thể bạn sẽ thành công trong cuộc chiến tới.

Thành công chính là sự đảo ngược của thất bại; ánh bạc của đám mây mù hoài nghi làm bạn không thể biết được mình đã gần đến đích rồi đấy, có khi tưởng chừng hãy còn rất xa nhưng có thể bạn đã ở gần kề. Vì thế hãy chiến đấu dù khi bạn đã bị trúng đòn nặng nề nhất; khi mọi thứ có vẻ tệ hại nhất thì đó chính là lúc bạn càng không được phép bỏ cuộc.

(Theo TuoitreOnline)