« Home | Cho chúng con được xin lỗi thầy » | Bài văn gây xôn xao TP Vinh » | Cố gắng từng chút một » | Đừng bỏ cuộc bạn nhé » | Ngàn con ếch » | Triết lý Cà chua » | Viết trên cát » | 5 cách giữ gìn tình bạn đẹp » | Gửi tuổi dậy thì » | Hoa tư tưởng »

Bát cơm người giúp việc

Vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải tha phương cầu thực lúc 17 tuổi. Tôi được bạn cùng quê đưa vào Sài Gòn giúp việc cho một gia đình giàu có ở đường Nguyễn Kiệm. Gia đình có sáu người, gồm ông bà, hai bác và hai con của bác.

Cứ ngỡ đi làm chỉ cần thật thà, chăm chỉ, chủ thương sẽ sướng hơn ở quê, lại có tiền gửi về giúp gia đình. Nhưng hi vọng bình thường đó của tôi lại không đơn giản như vậy.

Người ta thường nói giúp việc may thì gặp gia đình tốt, còn không thì phải chịu. Tôi không may nên gặp phải một gia đình bên ngoài giàu sang, tử tế, nhưng... Ngày nào tôi cũng phải làm đủ mọi việc, từ giặt đồ, lau nhà, đi chợ làm cơm đến chăm sóc ông bà già và ai bảo gì thì làm nấy... Vậy mà họ không xem tôi là con người, có lẽ họ nghĩ bỏ đồng tiền ra là có quyền chà đạp lên người khác. Mỗi khi ai gặp chuyện không vui là về la rầy, nào là “đồ ngu”, “đồ nhà quê”, nào là “tao nuôi mày chỉ tốn cơm, tốn gạo”... Tôi bưng bát cơm ăn mà chan đầy nước mắt. Nhưng tôi vẫn im lặng chịu đựng vì luôn biết thân phận mình: mình nghèo, muốn có tiền giúp gia đình thì phải bỏ công sức ra và phải nghe tiếng chửi, tiếng mắng của người ta...

Những lần bị chủ lạnh nhạt, la mắng, dù trong lòng có buồn hay đau cũng không có ai chia sẻ và lắng nghe. Nhiều đêm tôi đã khóc vì tủi thân, vì nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng tôi không dám nói cho gia đình ở quê biết, tôi hiểu lòng cha mẹ. Nếu biết con mình đang vất vả, khổ nhục nơi đất khách quê người thì cha mẹ còn đau lòng hơn bội phần.

Một hôm bác gái kêu mất chiếc lắc vàng. Bao nghi ngờ đều đổ vào tôi. Và những lời tra hỏi, xỉ vả tôi để biết tôi có phải đã ăn cắp không. Họ lục lọi khám xét đồ của tôi. Gần một tuần tôi sống như trong địa ngục trần gian mãi đến khi cô con gái của họ nói đã tìm thấy lắc ở bàn trang điểm của bác.

Sau lần ấy tôi xin nghỉ làm.

Rời khỏi ngôi nhà mà tôi đã sống gần một năm với biết bao nước mắt và mồ hôi, tôi ra đi mang theo sự chán nản cuộc đời, sự lo sợ, hoang mang. Giữa Sài Gòn lộng lẫy mà sao tìm một chốn nương thân còn khó hơn lên trời. Tình người nhạt nhẽo, vô tình như gió vậy sao? Tôi lang thang dọc theo con đường Nguyễn Kiệm, cứ đi, đi mãi, không biết đi về đâu. Bỗng tôi giật mình khi nghe tiếng xe cấp cứu, nhìn lên mới biết mình đang đi qua Bệnh viện 175. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ: có những người sắp chết còn mong sống thì sao mình lại hết hi vọng. Tôi thầm nhủ: “Dù cho ai khinh thường hay chà đạp thì mình cũng không được mất lòng tin ở chính mình”.

Từ đó tôi tiếp tục đi xin việc với niềm tin: dù là rửa chén cho quán cơm hay quán phở thì vẫn có hi vọng ngày mai... Tôi đi hết chỗ này tới chỗ khác. Cuối cùng tôi được một phụ nữ cho vào ở một quán chè. Công việc bận rộn nhưng bù lại cô chủ tỏ ra rất thương tôi. Tôi rất vui khi một lần được nghe cô chủ nói về mình với một người bạn: “Tính nó rất chăm chỉ, thật thà...”.

Từ ngày ấy tới bây giờ cuộc đời tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi được làm việc với một người chủ tử tế, đầy lòng thương người. Bây giờ tôi đã tin trên thế gian vẫn còn có tình người...

NGUYỄN THỊ LIÊN