Thứ Năm, tháng 11 09, 2006

Bát cơm người giúp việc

Vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải tha phương cầu thực lúc 17 tuổi. Tôi được bạn cùng quê đưa vào Sài Gòn giúp việc cho một gia đình giàu có ở đường Nguyễn Kiệm. Gia đình có sáu người, gồm ông bà, hai bác và hai con của bác.

Cứ ngỡ đi làm chỉ cần thật thà, chăm chỉ, chủ thương sẽ sướng hơn ở quê, lại có tiền gửi về giúp gia đình. Nhưng hi vọng bình thường đó của tôi lại không đơn giản như vậy.

Người ta thường nói giúp việc may thì gặp gia đình tốt, còn không thì phải chịu. Tôi không may nên gặp phải một gia đình bên ngoài giàu sang, tử tế, nhưng... Ngày nào tôi cũng phải làm đủ mọi việc, từ giặt đồ, lau nhà, đi chợ làm cơm đến chăm sóc ông bà già và ai bảo gì thì làm nấy... Vậy mà họ không xem tôi là con người, có lẽ họ nghĩ bỏ đồng tiền ra là có quyền chà đạp lên người khác. Mỗi khi ai gặp chuyện không vui là về la rầy, nào là “đồ ngu”, “đồ nhà quê”, nào là “tao nuôi mày chỉ tốn cơm, tốn gạo”... Tôi bưng bát cơm ăn mà chan đầy nước mắt. Nhưng tôi vẫn im lặng chịu đựng vì luôn biết thân phận mình: mình nghèo, muốn có tiền giúp gia đình thì phải bỏ công sức ra và phải nghe tiếng chửi, tiếng mắng của người ta...

Những lần bị chủ lạnh nhạt, la mắng, dù trong lòng có buồn hay đau cũng không có ai chia sẻ và lắng nghe. Nhiều đêm tôi đã khóc vì tủi thân, vì nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng tôi không dám nói cho gia đình ở quê biết, tôi hiểu lòng cha mẹ. Nếu biết con mình đang vất vả, khổ nhục nơi đất khách quê người thì cha mẹ còn đau lòng hơn bội phần.

Một hôm bác gái kêu mất chiếc lắc vàng. Bao nghi ngờ đều đổ vào tôi. Và những lời tra hỏi, xỉ vả tôi để biết tôi có phải đã ăn cắp không. Họ lục lọi khám xét đồ của tôi. Gần một tuần tôi sống như trong địa ngục trần gian mãi đến khi cô con gái của họ nói đã tìm thấy lắc ở bàn trang điểm của bác.

Sau lần ấy tôi xin nghỉ làm.

Rời khỏi ngôi nhà mà tôi đã sống gần một năm với biết bao nước mắt và mồ hôi, tôi ra đi mang theo sự chán nản cuộc đời, sự lo sợ, hoang mang. Giữa Sài Gòn lộng lẫy mà sao tìm một chốn nương thân còn khó hơn lên trời. Tình người nhạt nhẽo, vô tình như gió vậy sao? Tôi lang thang dọc theo con đường Nguyễn Kiệm, cứ đi, đi mãi, không biết đi về đâu. Bỗng tôi giật mình khi nghe tiếng xe cấp cứu, nhìn lên mới biết mình đang đi qua Bệnh viện 175. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ: có những người sắp chết còn mong sống thì sao mình lại hết hi vọng. Tôi thầm nhủ: “Dù cho ai khinh thường hay chà đạp thì mình cũng không được mất lòng tin ở chính mình”.

Từ đó tôi tiếp tục đi xin việc với niềm tin: dù là rửa chén cho quán cơm hay quán phở thì vẫn có hi vọng ngày mai... Tôi đi hết chỗ này tới chỗ khác. Cuối cùng tôi được một phụ nữ cho vào ở một quán chè. Công việc bận rộn nhưng bù lại cô chủ tỏ ra rất thương tôi. Tôi rất vui khi một lần được nghe cô chủ nói về mình với một người bạn: “Tính nó rất chăm chỉ, thật thà...”.

Từ ngày ấy tới bây giờ cuộc đời tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi được làm việc với một người chủ tử tế, đầy lòng thương người. Bây giờ tôi đã tin trên thế gian vẫn còn có tình người...

NGUYỄN THỊ LIÊN

Cho chúng con được xin lỗi thầy

Năm ấy tôi học lớp 12. Lớp chúng tôi đã tổ chức kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam một cách trọng thể: chúng tôi hát hò, liên hoan trong lớp, mua rất nhiều hoa tặng các thầy giáo, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm. Hôm ấy, cô ôm những bó hoa nhiều đến nỗi không còn chỗ để...

Đến trưa, khi gần kết thúc buổi lễ, xuống đến sân trường cô cho lại tôi một bó hoa, bảo mang về cắm cho vui. Tôi vui vẻ cầm lấy bó hoa. Bỗng tôi chợt thấy thầy Hưng, một thầy giáo dạy chúng tôi môn lịch sử khi chúng tôi còn học lớp 10, đang dắt xe đạp ngang qua sân trường.

Thầy Hưng tuổi trạc 50, dáng người nhỏ bé, khuôn mặt hiền. Đôi mắt thầy ẩn sau cặp kính cận dày cộp nhưng luôn lấp láy sự hài hước nhẹ nhàng, dễ mến. Đặc biệt, thầy có cách giảng dạy môn lịch sử hết sức hay và truyền cảm. Những bài giảng lịch sử của thầy luôn sống động với rất nhiều câu chuyện liên quan đến những sự kiện lịch sử cụ thể. Có lần, khi giảng đến bài Cách mạng Pháp, thầy còn hát cho chúng tôi nghe bài hát của Cách mạng Pháp rất hay...

Thấy thầy, tôi vô tư cầm bó hoa cô giáo chủ nhiệm cho, chạy ra tặng thầy và nói lời chúc mừng thầy nhân Ngày nhà giáo. Lời chúc mừng của đứa học trò thiếu suy nghĩ, nửa đùa nửa thật và rất nghịch ngợm vì nghĩ đã... trêu được thầy. Ai lại đi tặng hoa cho thầy vào giờ này cơ chứ. Nếu có thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng đối với thầy thì phải tặng hoa đầu giờ kia. Và phải là một bó hoa tươi mới mua. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đùa thầy một chút cho vui vì thầy vốn là người hài hước.

Song, thay vì thế, tôi bất ngờ nhận thấy ở thầy một nỗi xúc động chân thành từ đôi mắt lấp lánh sau cặp kính cận dày. Thầy nói với tôi rằng đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm dạy học thầy được tặng hoa nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, rằng thầy hết sức xúc động, rằng thầy chỉ là một giáo viên dạy môn phụ và đã dạy qua lớp tôi từ lâu mà tôi vẫn còn nhớ đến thầy. Rồi rất hạnh phúc, thầy ngẩng cao đầu, tay ôm bó hoa, dắt tiếp chiếc xe đạp cọc cạch đi ra phía cổng trường...

Trời ơi! Tôi thật sự bàng hoàng. Hơn 20 năm dạy học mà thầy chưa bao giờ được nhận bó hoa nào nhân Ngày nhà giáo Việt Nam ư? Mà lại là một thầy giáo đáng kính đến như vậy! Bọn học trò chúng tôi sao mà suy nghĩ “ngắn” thế! Chúng tôi chỉ biết quan tâm và tặng hoa những thầy cô giáo dạy môn chính và cô giáo chủ nhiệm thôi. Môn phụ thì không cần thiết lắm. Có gì đã có hội phụ huynh của lớp và của trường lo. Nhưng hội phụ huynh chắc chỉ chú trọng về vật chất. Và chẳng có một đứa học trò nào nhớ ra phải tặng hoa cho thầy. Đến khi nhận được bó hoa đầu tiên thì lại mang một tính chất hơi đùa cợt hơn là nghiêm túc. May mà thầy không phát hiện điều ấy...

Hình ảnh đôi mắt lấp lánh sau cặp kính cận dày và gương mặt hiền hậu của thầy ánh lên nét hạnh phúc khi lần đầu tiên nhận bó hoa ngày 20-11 năm ấy vẫn còn nguyên trong tâm trí tôi. Hơn 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn tự trách sao bọn học trò chúng tôi lại vô tâm đến vậy.

Thầy Hưng ơi, thầy ở đâu cho chúng con được xin lỗi thầy.

Đ.T.T.H. (Hà Nội)

Bài văn gây xôn xao TP Vinh

Bài văn đạt 9,5 điểm của cô học trò chuyên toán Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), Nguyễn Thị Hậu

Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần vào sáng thứ hai vừa qua, thầy giáo Lê Trần Bân, phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) đã đứng dưới cờ phát biểu cảm nghĩ và đọc bài văn của em Nguyễn Thị Hậu, cả sân trường xúc động lặng im.

"Thầy Bân đọc được nửa bài văn quá xúc động nghẹn lời, ngân ngấn nước mắt. Chúng tôi đều rưng rưng, mến phục thương em Hậu và thôi thúc chúng tôi sống và giảng dạy tốt hơn. Từ nay vào các buổi lễ chào cờ đầu tuần chúng tôi chọn lọc những đề văn và bài làm hay đọc dưới cờ để nhân lên sự yêu thích văn chương của học sinh" - thầy Võ Tuấn Thiện, hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết.

Ngay sau đó từ học sinh, giáo viên các trường trên địa bàn TP Vinh cho đến bà bán nước bác xe ôm đã pho to bài văn, chuyền tay nhau đọc. Cứ thế bài văn nhân thêm nhiều bản, và chuyền về tận các huyện...

Nguyễn Thị Hậu - học sinh chuyên Toán lớp 10A2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An - chỉ có 45 phút ngồi trên lớp học để viết lên bài văn này. Bài văn với gần 1.500 từ trên bốn trang giấy kiểm tra ướt nhoè nước mắt của Hậu khi làm bài.

Bóng dáng người bố yêu thương hiện lên trang văn, người đọc đường như thấy một chút bóng dáng người bố thân yêu của mình và thôi thúc nuôi dưỡng ước mơ và thúc giục sống tốt hơn.

Bài làm văn của em đã viết lên cảm nghĩ chân thực về người cha thân yêu làm nghề xe lai, nhưng bị căn bệnh quật ngã ra đi, khá xúc động.

ĐẮC LAM

Thứ Hai, tháng 11 06, 2006

Cố gắng từng chút một

Tôi đang đi dạo trên bãi biển khi hoàng hôn buông xuống. Dù biển đông người nhưng tôi chỉ chú ý đến một cậu bé cứ liên tục cúi xuống nhặt thứ gì đó và ném xuống biển.
Khi đến gần hơn, tôi thấy cậu bé đang nhặt những con sao biển bị cuốn lên bờ và lần lượt ném từng con trở lại với biển.

Tôi cảm thấy khó hiểu. Tôi liền tiến đến chỗ cậu bé và nói: "Chào cháu, chú thắc mắc không biết cháu đang làm gì?"

“Cháu đang đưa những con sao biển này trở về với đại dương. Chú thấy đó, bây giờ thủy triều đang xuống và tất cả những con sao biển này đã bị giạt lên bờ. Nếu như cháu không đưa chúng trở về biển thì chúng sẽ chết ngay ở đây vì thiếu oxy.”

“Chú hiểu rồi. Nhưng có đến hàng ngàn con sao biển ở trên bãi biển này. Cháu không thể nào nhặt hết tất cả chúng được. Và chuyện này còn xảy ra ở hàng trăm chỗ khác suốt bờ biển này. Cháu có nhận thấy rằng cháu không thể làm thay đổi được thực tế sao?

”Cậu bé mỉm cười, cúi xuống và rồi nhặt con sao biển khác lên, và khi ném nó xuống biển, cậu trả lời tôi: "Nhưng cháu có thể giúp được con sao biển này!"

"Cố gắng là tất cả những gì mà bạn phải làm.
Cho dù thành công hay thất bại."
Robert Thibodeau